Nhân loại chúng ta đang có một vấn đề về rác thải nhựa, nhưng có ai tin rằng một ngày nào đó nhựa cũng có thể ăn được, thậm chí còn ngon nữa là đằng khác. Ở đây, các nhà khoa học đang cố gắng đưa ra các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề ngày càng gia tăng này, với một số thậm chí còn chuyển đổi chai nhựa thành vanillin bằng cách sử dụng vi khuẩn.
Gần đây nhất, hai nhà khoa học quốc tế đã giành được giải thưởng Future Insight năm 2021 trị giá 1,18 triệu đô la (1 triệu euro) trong quá trình tạo ra nguyên mẫu ‘máy tạo thực phẩm” có thể biến nhựa thành protein.
Dự án này ban đầu được tài trợ bởi thỏa thuận hợp tác của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) cùng Ting Lu- giáo sư kỹ thuật sinh học tại Đại học Illinois Urbana-Champaign và Stephen Techtmann- phó giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Công nghệ Michigan.
Mục tiêu của họ là cải tiến quy trình chuyển đổi rác nhựa thành bột protein bằng cách sử dụng kết hợp hóa chất và quy trình tác động nhiệt độ cao (nhiệt phân). Hai nhà khoa học gọi nôm na dự án của họ là ‘máy tạo thực phẩm”.
Stephen Techtmann giải thích: “Chúng tôi sử dụng các sinh vật tự nhiên đã được biến đổi gen kỹ thuật để phân hủy nhựa và sinh khối thực vật không ăn được để chuyển hóa thành thực phẩm. Thật vinh dự khi chúng tôi được trao giải thưởng này. Giải thưởng này sẽ cho phép chúng tôi theo đuổi các dòng nghiên cứu có độ rủi ro cao, và thu hút thêm mức vốn tài trợ cao cho phép chúng tôi tiến hành công việc này nhanh chóng hơn nữa trong thời gian tới”.
Các nhà nghiên cứu dự kiến thiết kế hệ thống trong đó các cá nhân có thể gửi rác nhựa hoặc sinh khối không ăn được vào một khe của máy. Chất thải đi vào các lò phản ứng xử lý, nơi nhiệt được sử dụng để phân hủy nó. Sản phẩm phụ sau đó được đưa vào một bể chứa vi khuẩn, chúng sẽ ăn nó. Các tế bào vật liệu thu được còn lại sau cùng sau đó sẽ được làm khô thành bột và được lưu trữ để sử dụng tiếp theo.
Theo Merck Group, đơn vị mới đã tài trợ và công nhận dự án này khẳng định, các loại thực phẩm tạo ra từ cỡ máy này chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết, không độc hại, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tiềm năng cho con người trong tương lai.
Nhìn chung, kỹ thuật đột phá này có tiềm năng cung cấp nguồn thực phẩm an toàn và bền vững, đồng thời giảm tác hại môi trường do rác thải nhựa, và do các phương thức canh tác truyền thống gây ra. Bởi theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, có ít nhất 8 triệu tấn nhựa được đổ ra các đại dương trên thế giới mỗi năm.
Belen Garijo, Giám đốc điều hành Merck cho biết: “Chúng tôi chúc mừng Ting Lu và Stephen Techtmann vì những nghiên cứu đầy hứa hẹn của họ, và hy vọng rằng Giải thưởng Future Insight năm 2021 sẽ giúp đẩy nhanh nỗ lực của họ”.
Nguồn: Tạp chí Nhựa Thế giới