[gtranslate]
  • Welcome to Vipaco Website
  • Contact : (+84.2213) 767.968

Gây Ra Ô Nhiễm Môi Trường Không Phải Là Bao Bì, Mà Chính Là Cách Chúng Ta “Đối Xử” Với Bao Bì

“Chịu trách nhiệm gây ra ô nhiễm môi trường không phải là bao bì, mà là chính cách chúng ta đối xử với bao bì.”

Nhựa và ni lông ra đời đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành tiêu dùng, bán lẻ. Ngày nay, bao bì làm từ nhựa và nilon đã được sử dụng để đóng gói hầu như tất cả các loại sản phẩm được tiêu dùng hàng ngày: thực phẩm, nước uống, hóa chất tẩy rửa, sản phẩm y dược…

Tuy nhiên, trước tình trạng ô nhiễm rác nhựa nghiêm trọng, nhiều luồng ý kiến cho rằng cần phải hạn chế sử dụng bao bì làm bằng nhựa, thậm chí là tẩy chay, kêu gọi sử dụng những vật liệu thay thế có thể phân hủy được.

Rác thải nhựa không thể tự “bơi” xuống biển nếu như được xả thải đúng nơi quy định.

Bao bì nhựa: Lợi hay hại?

Không thể phủ nhận rằng, ngành công nghiệp bao bì đã góp phần làm gia tăng lượng rác thải rắn từ tiêu dùng. Tuy nhiên, bao bì nhựa thực chất đem lại nhiều lợi ích cho các hoạt động của con người.

Theo báo cáo của Tổ chức Bao bì và Môi trường châu Âu (EUROPEN), bên cạnh việc bảo vệ cho hàng hóa, phân biệt nhãn hiệu, cung cấp thông tin và tạo ra sự thuận tiện cho người tiêu dùng, bao bì còn góp phần không nhỏ tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể, bao bì nhựa giúp hạn chế tối đa lãng phí do ôi thiu, phân hủy các sản phẩm lương thực, thực phẩm và đồ uống. Đây là cơ sở lớn để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, giải quyết nạn đói, nghèo (mục tiêu số 1 và số 2 của 17 mục tiêu Phát triển bền vững do Liên hợp quốc đưa ra). Không chỉ vậy, sự phân hủy của thực phẩm cũng có thể trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

                                                             Bao bì nhựa đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của chúng ta

Bên cạnh đó, với sự gọn, nhẹ và khả năng chống nước, chống khí, chống vi khuẩn, bao bì nhựa giúp cho sự vận chuyển hàng hóa được diễn ra một cách thuận lợi hơn, góp phần làm giảm xả thải từ giao thông vận tải và tiết kiệm năng lượng.

Bao bì cũng khiến các sản phẩm hóa chất khó bị rò rỉ gây hại tới môi trường, đặc biệt là những chất tẩy rửa, xà phòng hay thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh việc in nhãn hiệu, tên sản phẩm và các thông tin cần thiết, hiện nay bao bì cũng là nơi nhà sản xuất thể hiện thông điệp của mình. Nhiều doanh nghiệp đã in lên bao bì những lời kêu gọi, hướng dẫn tái chế, giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng.

Vấn nạn về cách sử dụng bao bì

Rác thải nhựa – đa số là rác thải từ bao bì – đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới môi trường. Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2050, số lượng rác nhựa trong đại dương còn nhiều hơn cả lượng cá. Bên cạnh đó, việc chôn lấp rác thải từ bao bì cũng tạo cơ hội cho những hóa chất tồn dư ngấm xuống đất, làm ô nhiễm đất và nguồn nước.

Ở một số nơi, rác thải nhựa cùng nhiều rác thải rắn khó xử lý khác sẽ được đem đi đốt. Khó xử lý quá thì đốt đi cho khuất mắt, nhưng thực tế chúng chẳng hề biến mất đi đâu cả, mà biến đổi thành những khí thải độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Rác nhựa không thể tự trôi ra sông, hồ, biển nếu không có hành vi xả thải bừa bãi của con người

Tuy nhiên, các bao bì làm từ nhựa không hề có hại nếu như được xử lý đúng cách. Rác nhựa không thể tự trôi ra sông, hồ, biển nếu không có hành vi xả thải bừa bãi của con người. Các dư chất còn dư trong vỏ nhựa cũng không thể gây ô nhiễm đất nếu như bao bì được xử lý sơ trước khi xả thải.

Theo các chuyên gia về vật liệu, bên ngoài những lợi ích kể trên, bao bì nhựa còn sở hữu tiềm năng tái chế rất lớn. Tuy nhiên, theo WEF, tỷ lệ bao bì nhựa được tái chế toàn thế giới chỉ chiếm khoảng 14% – một con số quá nhỏ so với tiềm năng của vật liệu nhựa.

Ở Việt Nam, phần lớn những bao bì nhựa, ni lông không hề được vứt hoặc thu gom đúng cách. Có thể thấy những vỏ chai, vỏ hộp, vỏ bánh kẹo… xuất hiện ở mọi nơi, từ giữa đường phố nội đô cho đến trên cánh đồng, từ rừng núi cho đến biển cả, lịch sự lắm thì cũng trong chiếc thùng chứa lẫn lộn các loại rác thải, cả hữu cơ lẫn vô cơ, cả tái chế được lẫn không thể tái chế. Như vậy, không chỉ gây hại đến môi trường mà chúng ta còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác, trong khi các tài nguyên thiên nhiên thì đang dần cạn kiệt.

Đất nước Việt Nam xanh ngắt có sạch đẹp được mãi được không? Điều đó tùy thuộc hành động của chúng ta! Mỗi người dân hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, biết sử dụng đúng cách ngay từ hôm nay và ngay bây giờ vì một Việt Nam xanh, vì Trái đất xanh.

Trả lời

Your email address will not be published.

You may use these <abbr title="HyperText Markup Language">HTML</abbr> tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*